Trước đây mình luôn có suy nghĩ dù ở đâu cũng phải sắm sửa cho mọi thứ đầy đủ tiện nghi hoặc để thỏa mãn bản thân luôn mua những gì mình thích. Và rồi dù đều đặn dọn dẹp lại phòng vài tháng một lần nhưng lần nào cũng phải mất công lau chùi dọn dẹp những thứ đã lâu không dùng đến như chiếc áo được tặng đợt sinh nhật nhưng không phù hợp, hoặc món đồ lưu niệm mỗi đợt đi chơi mua vì thấy nó hay... Nhưng vì tiếc hoặc nghĩ chúng sẽ được dùng trong một dịp nào đó nên lại lau chùi cẩn thận và lại cất vào 1 góc cũ. Hoặc thảm hại hơn mỗi lần có dịp sale lại mất khá nhiều thời gian để lướt các trang thương mại điện tử để xem có đồ nào rẻ hoặc hay để mua về dù lúc đó không thực sự cần thiết chỉ mua vì nó được bán ở dịp sale. Và hậu quả để lại là mua về dùng được một hai lần rồi cũng bỏ.
Sau nhiều lần như thế mình đã quyết định tìm kiếm một cách giải quyết cho các vấn đề đó và sau một thời gian tìm hiểu mình đã biết đến một phương pháp là "Lối sống tối giản" nó đã giúp mình thay đổi rất nhiều từ không gian sống tới suy nghĩ cá nhân. Mình tin tưởng ở lối sống tối giản mang một giá trị tốt đẹp, bất cứ ai cũng đều có thể học một điều gì đó từ lối sống này nên mình quyết định chia sẻ nó với mọi người trong bài viết này!
Lối sống tối giản bắt nguồn từ Nhật Bản với tên gọi là Danshari hoặc trên thế giới có một cách gọi khác là Minimalism dựa trên một phong trào nghệ thuật nổi lên ở New York - Mỹ vào những năm đầu thập niên 1960 nhưng bản chất nó vẫn bị ảnh hưởng một phần bởi lối sống Danshari. Tinh thần của Danshari gói gọn trong chính 3 từ viết tắt tạo thành cái tên của lối sống này: Dan – nghĩa là từ chối (đem về nhà những vật dụng không cần thiết), Sha – nghĩa là vứt bỏ (những thứ lỉnh kỉnh vướng víu trong nhà) và Ri – là tránh xa (cám dỗ mua sắm vật chất).
Đây là một phong cách sống từng được đề cập đến trong khá nhiều cuốn sách và người Nhật cũng là những người nổi tiếng nhất với phong cách sống này. Về cơ bản thì Sống Tối Giản là phong cách sống mà ở đó người ta cố gắng giữ càng ít vật chất thừa thãi xung quanh mình càng tốt. Hạn chế mua sắm những thứ xa hoa, không cần thiết để cuộc sống xung quanh không vướng bận nhiều và giữ cho tâm hồn thư thái hơn. Là cách giải thoát áp lực vô hình cuộc sống vật chất hiện đại lên tinh thần con người.
Cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” là một cuốn sách tiêu biểu cho phong cách này nó rất hay sau khi đọc xong nó giúp mình refresh bản thân và nhìn nhận được giá trị thực sự của hạnh phúc. Có 1 câu trong cuốn sách để lại cho mình rất nhiều ấn tượng:
“Cứ mỗi lần bạn sở hữu trong tay những đồ dùng hơn mức cần thiết là một lần bạn lấy mất tự do của chính mình. Giá trị bản thân chúng ta không đo bằng những đồ dùng mà chúng ta sở hữu. Những đồ dùng này chỉ cho chúng ta một chút cảm giác hạnh phúc nhất thời mà thôi. Mang theo những đồ dùng hơn mức cần thiết sẽ lấy hết thời gian, năng lượng của bạn”
Bạn cần xác định điều gì “quan trọng” với bạn nhất, điều gì bạn “đam mê” và điều gì bạn “giỏi” nhất. Hãy tập trung sức lực để dành thời gian cho nó. Bạn chỉ có 24 tiếng mỗi ngày, bạn không thể chia sẻ cho tất cả những điều bạn chỉ “thích” hay những thứ không cần thiết xung quanh bạn. Cuối cùng là giá trị to lớn mà mình nhận được sau khi đọc cuốn sách về sự tối quản không chỉ là sắp xếp dọn dẹp đồ sao cho gọn gàng mà mình xác định được mình cần đầu tư cho chính bản thân mình hơn đây mới là thứ làm cho mình hạnh phúc chứ không phải là khẳng định giá trị của mình thông qua vật dụng ngoài thân.
1. Các quy tắc tối giản đồ đạc
Thường thì mỗi người cần một thời gian nhất định để có thể tiếp cận tới lối sống tối giản ở mặt tinh thần, phi vật chất, bởi nó cần cả một quá trình trải nghiệm thực tế. Chúng ta thường bắt đầu với việc tối giản hoá đồ đạc trước tiên, bởi nó mang tính vật chất hữu hình và điều này giúp người mới bắt đầu có ngay kết qủa từ đó có cái nhìn cụ thể hơn về chủ nghĩa tối giản. Để sẵn sàng vứt bỏ đồ đạc của mình đi thì trước tiên bạn hãy chia thành 3 nhóm đồ.
Nhóm 1: Đồ thực sự cần thiết
Hãy tưởng tượng nếu bạn phải đi công tác hoặc đi du lịch 1 tháng thì những đồ bạn sẽ mang theo là gì thì đó là những đồ thực sự cần thiết trong cuộc sống của bạn.
Nhóm 2: Đồ có thể sử dụng trong tương lai
Đây là nhóm những món đồ mà ta đã không dùng trong 1 năm nhưng thường giữ nó lại vì nghĩ nó sẽ có tác dụng trong 1 dịp nào đó nhưng những đồ đã không dùng trong 1 năm thường cũng sẽ không dùng trong các năm tiếp theo. Bạn có thể tự nhủ rằng sẽ sắp xếp và để gọn nó lại nhưng dù gì thì bạn cũng vẫn phải mất công dọn dẹp và lau chùi chúng mỗi khi dọn nhà. Dù ít hay nhiều chúng vẫn luôn chiếm mất một phần không gian, thời gian, sự chú ý của bạn.Hoặc nếu bạn vẫn còn đang phân vân có thể bỏ những đồ đó vào 1 thùng cất đi nếu nửa năm sau vẫn chưa mở thùng đó ra thì nghĩa là đã đến lúc bạn nên bỏ nó đi
Nhóm 3: Đồ không dùng đến
Đây là nhóm đồ bạn nên thẳng tay bỏ đi vì nó không hề cần thiết cho cuộc sống của bạn
Những đồ có số lượng nhiều là mục tiêu đầu tiên mà bạn hướng đến. Hãy loại bỏ hết chúng và chỉ giữ lại một số đồ còn tốt trong số chúng.
Những đồ được tặng nhưng không phù hợp với bản thân. Có thể bạn nghĩ rằng vì đó là những đồ được tặng nên nếu bỏ đi thì sẽ có lỗi với người tặng. Nhưng thứ bạn đang lưu luyến ở đây là kỉ niệm là tình cảm của người tặng nó chứ không phải món đồ đó vì nó không giúp ích được gì cho bạn cả, bạn hãy lấy điện thoại ra chụp lại một tấm ảnh của món đồ đó lại. Và thế là bạn sẽ vẫn có được những kỉ niệm đó mỗi lần mở ảnh ra xem.
Vứt bỏ những thứ không mang lại niềm vui. Không mang lại niềm vui ở đây không phải chỉ những món đồ mang đến nỗi buồn cho bạn mà cả những đồ không mang lại cảm xúc cho bạn. Hãy cầm món đồ đó lên và tự hỏi mình nếu không có nó thì mình có sống tốt không? Nếu câu trả lời là có thì đó cũng là một món đồ nên vứt bỏ.
2. Các quy tắc tối giản trong mua sắm
Để có một lối sống tối giản thì chỉ dọn dẹp đồ đạc thôi là không đủ mà bạn còn phải tối giản cả trong cách mua sắm của mình để tránh tình trạng cứ dọn dẹp phòng xong vài tháng sau đồ đạc lại nhiều như cũ. Tối giản trong mua sắm cũng là một nguyên tắc bạn phải nắm rõ để giữ gìn căn nhà luôn gọn gàng của mình. Sau đây là những nguyên tắc của mình trong việc tối giản trong mua sắm.
1. Không mua để dành
2. Không mua đồ giảm giá khi không có kế hoạch trước
Đồ giảm giá là 1 cái bẫy nó dẫn dắt con người vào một vòng tiêu dùng luẩn quẩn có thể bạn nghĩ mua sắm là một loại thuốc an thần cho những căng thẳng trong cuộc sống. Nhưng khi đứng giữa quá nhiều lựa chọn nó lại làm ta phải suy nghĩ nhiều hơn và vô hình lại lấy đi sự thoải mái mà ta nghĩ rằng ta có được nhờ nó. Nên nếu như bạn đã lên kế hoạch để mua và khi nó sale thì đó là một thời điểm tốt để mua còn không có nhu cầu mua sắm nhưng mua vì nó được sale thì đó là một điều không cần thiết.
3. Chuẩn bị mua một món đồ thì phải sẵn sàng bỏ đi một món đồ
Nếu như bạn vi phạm quy tắc trên bạn quyết định mua nó thì phải suy nghĩ thật kỹ xem nếu mua món đồ này thì mình nên thay thế món đồ nào đang có trong nhà để mang món đồ kia về. Khi nghiêm túc suy nghĩ bạn sẽ biết được là khi nào cần thiết.
4. Mua thứ bạn cần chứ không phải thứ bạn muốn
Chúng ta phải làm rõ 2 vấn đề là thứ nào bạn cần và thứ nào bạn muốn. Thứ bạn cần mới là thứ đem lại giá trị thực sự cho bạn còn thứ bạn muốn chỉ xuất phát từ ham muốn cá nhân dễ có cũng dễ mất không mang lại được cho bạn giá trị gì. Tỷ phú Warren Buffett có nói 1 câu mà mình khá tâm đắc "Nếu bạn cứ mua những thứ bạn không cần thì sớm muộn gì bạn cũng phải bán những thứ mình cần".
Mình thường sử dụng một mẹo nhỏ để biết được đây có phải là món đồ mình cần không: Khi thích một thứ gì đó rất muốn mua mình thường dừng suy nghĩ đó lại 1 tháng trước khi mua để xem thực sự trong thời gian đó mình có nghĩ đến thứ có nhiều không hay không có nó mình có bị ảnh hưởng gì không. Và kết quả là sau 1 tháng đôi lúc mình còn quên là mình đã từng rất thích món đồ đó và trong một tháng vừa qua không có nó thì mình vẫn thấy bình thường. Còn nếu sau một tháng mình vẫn luôn muốn mua nó hoặc cuộc sống mình bị ảnh hưởng khi thiếu nó thì đây là thứ mình cần và tất nhiên mình sẽ mua.
5. Mua đồ trung tính, dễ kết hợp, hoặc có nhiều chức năng
Từ quần áo đến vật dụng nên mua những đồ khó lỗ thời, dễ kết hợp.
3. Thói quen tối giản
Và cuối cùng để hoàn toàn trở nên tối giản thì bạn còn phải tạo cho mình một thói quen tối giản đây cũng là thứ khó nhất mà chúng ta phải tự rèn luyện cho chính mình một số nguyên tắc như sau:
Dọn dẹp ngay sau khi hoàn thành bất cứ việc gì
Phân loại và bỏ đồ đạc vào đúng vị trí
Thường xuyên thanh lọc đồ đạc trong nhà như 1 quý 1 lần
Suy nghĩ kỹ trước khi mua một thứ gì
4. Tổng kết
Lối sống tối giản mang lại thời gian, cảm giác tự do, giải phóng bản thân, giúp ta ngưng lo lắng về cái nhìn của người khác, nâng cao sức tập trung và sự thấu hiểu bản thân, tiết kiệm tiền bạc và cả bảo vệ môi trường, tạo ra lối sống lành mạnh và khỏe mạnh hơn, cải thiện chính bản thân và mọi mối quan hệ giữa người và người. Tối giản không chỉ là trong lối sống, trong việc sở hữu đồ dùng, mà còn là tối giản những mối quan hệ, những ưu tiên trong cuộc sống để ta tập trung vào việc trau dồi các giá trị quan trọng và trở thành người thành công, hạnh phúc (phiên bản tốt nhất).
Việc đi theo lối sống tối giản cũng tùy vào đặc điểm mỗi cá nhân và hoàn cảnh sống, lối sống tối giản không có luật lệ gì cả không phải cứ giảm hết đồ đạc mới là tối giản. Lối sống ấy thật sự là rất tốt nhưng như tác giả thì mình lại thấy nó không phù hợp với mình, giống như mình chỉ mua những cuốn sách thực sự thấy giá trị và mình thích đọc sách hơn là đọc ebook nên việc chuyển chuyển qua đọc ebook thực sự là tối giản hơn nhưng lại không đáp ứng được sở thích của mình,…
Lối sống tối giản đã giúp mình có được một cuộc sống ngăn nắp gọn gàng, đồ đạc không còn là thứ quá cần thiết nữa, đời sống tinh thần mới là thứ đáng trân trọng hơn. Nên đầu tư vào những trải nghiệm và con người hơn là vào vật chất. Xác định điều gì “quan trọng” với mình nhất, điều gì mình “đam mê” và điều gì mình “giỏi” nhất. Mình sẽ tập trung sức lực để dành thời gian cho nó.
Tháng năm hạnh phúc ta từng có - Happy Old Year(2020)
Bonus thêm cho mọi người một bộ phim khá hay của Thái Lan nói về cô gái quyết tâm theo đuổi phong cách tối giản và những khó khăn cô ấy phải đổi mặt.